Các hướng nghiên cứu chính của sinh viên bao gồm: Phát triển sản phẩm thực phẩm từ nguyên liệu địa phương và phụ phẩm, với các đề tài khai thác nguồn nguyên liệu như cá ngừ, hạt mít, vỏ cà phê, lá chùm ngây để tạo ra thực phẩm mới hoặc cải tiến quy trình chế biến, thể hiện tư duy khởi nghiệp và tận dụng tài nguyên bản địa. Vật liệu và công nghệ ứng dụng trong môi trường, năng lượng, bao gói sinh học tập trung vào chế tạo vật liệu như carbon aerogel, nano từ tính, màng bao gói phân hủy sinh học, hướng đến xử lý nước thải, sản xuất điện cực siêu tụ điện và phát triển công nghệ bền vững. Công nghệ sinh học và ứng dụng hoạt chất sinh học tự nhiên khai thác tinh dầu, vi sinh vật, chiết xuất hoạt chất để tạo chế phẩm bảo quản thực phẩm, chăm sóc sức khỏe như nano chitosan tải dịch chiết nấm rơm, tinh dầu tỏi dạng xịt mũi hay màng chỉ thị chất lượng thực phẩm. Chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao, nhiều đề tài đạt loại tốt trong nghiệm thu, có tiềm năng chuyển giao hoặc phát triển thành sản phẩm khởi nghiệp.
Hoạt động NCKH của sinh viên có nhiều thuận lợi. Khoa có định hướng nghiên cứu rõ ràng, phù hợp với xu thế xã hội, thu hút sự quan tâm của sinh viên. Đội ngũ giảng viên giàu chuyên môn, kinh nghiệm, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sản xuất và nghiên cứu trong và ngoài nước, luôn sẵn sàng hướng dẫn sinh viên. Các ngành đào tạo đa dạng, tạo điều kiện cho các đề tài liên ngành. Sinh viên thể hiện tinh thần chủ động, ham học hỏi, đặc biệt là những em có định hướng học sau đại học hoặc khởi nghiệp. Cơ sở vật chất và thiết bị nghiên cứu cơ bản cũng được đầu tư, hỗ trợ hiệu quả cho các đề tài.


Sinh viên Khoa CNTP Báo cáo Tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, hoạt động NCKH của sinh viên vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Kinh phí hạn chế khiến nhiều đề tài khó mở rộng thí nghiệm hoặc kiểm nghiệm sâu. Sinh viên còn lúng túng với thủ tục hành chính như thanh quyết toán, đồng thời thiếu kỹ năng nghiên cứu cơ bản như tra cứu tài liệu, thiết kế thí nghiệm, phân tích số liệu hay trích dẫn khoa học. Về thời gian, sinh viên năm 1-2 phải thích nghi với môi trường đại học, trong khi sinh viên năm 3 mất 8-10 tuần/học kỳ cho thực tập xa trường, ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu. Nhiều sinh viên phải làm thêm để trang trải chi phí, dẫn đến quỹ thời gian cho NCKH bị thu hẹp. Một số giảng viên cũng gặp khó khăn trong việc cân đối giữa giảng dạy, nghiên cứu cá nhân và hướng dẫn sinh viên. Đặc biệt, cơ chế khuyến khích NCKH cho sinh viên chưa đủ hấp dẫn, chưa gắn với các quyền lợi cụ thể như học bổng, tín chỉ hay xét tuyển sau đại học.
Để khắc phục những thách thức trên, Khoa đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Hằng năm, các hội thảo khoa học được tổ chức để sinh viên và giảng viên trình bày kết quả, trao đổi học thuật và kinh nghiệm. Khoa khuyến khích sinh viên tham gia các đề tài theo hướng nghiên cứu của giảng viên, tối ưu hóa cơ sở vật chất và tài liệu. Hỗ trợ thủ tục hành chính như đăng ký đề tài, báo cáo tiến độ, nghiệm thu giúp giảm áp lực cho sinh viên. Việc kết nối với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và cựu sinh viên cũng được đẩy mạnh để gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất.


Sinh viên Khoa CNTP thực hiện thí nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Trong thời gian tới, Khoa sẽ tiếp tục thúc đẩy NCKH thông qua các phương hướng chiến lược. Xây dựng nhóm nghiên cứu sinh viên liên ngành, liên khóa sẽ tạo môi trường học thuật năng động, khuyến khích sự gắn kết. Các buổi tập huấn kỹ năng nghiên cứu, từ viết đề cương, phân tích số liệu đến trích dẫn tài liệu, sẽ được tổ chức thường xuyên. Hoạt động NCKH sẽ được đưa vào tiêu chí ưu tiên xét học bổng và xét tuyển sau đại học để tăng động lực cho sinh viên. Hợp tác với doanh nghiệp và trung tâm khởi nghiệp sẽ được mở rộng nhằm chuyển giao kết quả nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm thực tế. Các đề tài ưu tiên sẽ gắn với định hướng chiến lược của Khoa và nhu cầu của ngành, đảm bảo tính ứng dụng cao.
Hoạt động NCKH của sinh viên Khoa Công nghệ Thực phẩm đã định hình rõ nét với các hướng nghiên cứu mang tính bền vững, ứng dụng công nghệ cao và khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tự nhiên, địa phương. Với sự đồng hành tận tình của giảng viên, môi trường học thuật thuận lợi và các chính sách hỗ trợ phù hợp, NCKH không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới sáng tạo trong ngành chế biến thủy sản, công nghệ thực phẩm và kỹ thuật hóa học. Trong tương lai, với những giải pháp đồng bộ và chiến lược dài hạn, hoạt động này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế của Khoa trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.